• HỖ TRỢ KINH DOANH
    093.699.1998
  • en

Tâm thư của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty CP May Sông Hồng

     Nhân ngày Doanh nghiệp-Doanh nhân Việt nam, với tư cách là người đang vận hành một doanh nghiệp khá lớn trong ngành Dệt- May, thay mặt các đồng nghiệp, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, các ngành và các tầng lớp nhân dân đã giành những tình cảm tốt đẹp tới các Doanh nghiệp và Doanh nhân. Và cũng nhân ngày này, xin được gửi đôi lời tâm thư tới các vị lãnh đạo TLĐ để hiểu thêm về các doanh nghiêp chúng tôi.
Mấy tháng nay, trên diễn đàn thông tin đại chúng xuất hiện nhiều cuộc tranh luận gay gắt về cái gọi là " Lương tối thiểu" (LTT), giữa một bên là VCCI và các Hiệp hội (HH) với một bên là Tổng Liên đoàn (TLĐ). Đặc biệt các vị lãnh đạo TLĐ đã phát biểu rất quyết liệt, thậm chí có lúc hơi quá đà khi sử dụng ngôn từ xúc phạm đến giới doanh nhân, trong khi Đảng và Nhà nước đang đặt nhiều trọng trách lên vai những con người này trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước. Là người đã từng có thời gian khá dài trong quân ngũ thời chiến tranh chống Mĩ rồi làm chính trị chuyên nghiệp trước khi được điều động sang làm doanh nghiệp, đến nay đã gần 30 năm gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi cùng doanh nghiệp, tôi có đủ bản lĩnh và trách nhiệm chính trị để góp ý với các vị TLĐ về một số vấn đề sau đây.
1.       Lập luận của TLĐ rằng năm nay GDP tăng lên, XNK tăng lên, kinh tế tăng lên, năm trước tăng LTT trên 14,4% doanh nghiệp vẫn chịu đựng được thì không có cớ gì mà năm nay không tăng lên 16,8%( ban đầu) và hiện nay là (14,4%)? Tôi cho rằng lập luận này là quá mơ hồ, thiếu căn cứ khoa học, xa rời thực tiễn và không thể thuyết phục.
2.      TLĐ nói rằng “Phải tăng LTT vì mức lương của công nhân (CN) hiện nay không đủ sống? Vậy TLĐ lấy tiêu chí nào để so sánh, khi mà bao sinh viên tốt nghiệp ra trường (chưa nói tới những người thất nghiệp), lương chưa tới 3 triệu đồng, thậm chí cả Tiến sĩ toán học làm việc trong Viện toán cũng chỉ mới có lương trên 3 triệu, rồi những thanh niên nông thôn, bình quân ruộng đất chỉ có một sào Bắc bộ (360 m2), họ phải làm gì để sống được với mỗi ngày chưa đầy 1m2 ấy? Cho nên, lập luận này của TLĐ cũng rất mơ hồ, khá vội vàng khi cho rằng CN làm việc vất vả hơn ngài Tiến sĩ toán hay những sinh viên kia.
3.      TLĐ nói rằng “Nếu không tăng LTT, e rằng CN sẽ biểu tình, lãn công”! Thêm lần nữa, các vị TLĐ lại mơ hồ, không hiểu căn nguyên, gốc rễ đó chính bắt nguồn từ đâu. Liệu TLĐ có biết tới con số 96% trong tổng số doanh nghiệp Việt nam là nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có tới trên 70% thua lỗ (số liệu lưu hành công khai)? Để biết rằng sức sống của đa số doanh nghiệp Việt Nam rất còi cọc và ốm yếu. Vì sao? Vì các chi phí trong sản xuất của các doanh nghiệp phải gánh chịu là quá lớn, quá sức chịu đựng, trong đó đặc biệt là các phí BHXH, BHYT, BHTN; kể cả thứ chi phí vô cùng phi lí là phí Công đoàn của các vị. Cùng với những năm tháng doanh nghiệp phải vật vã vì thiếu vốn, lãi suất quá cao, hàng hóa luôn không đủ vì thời gian dài VN bị phong tỏa, hạn chế giao thương với thế giới bên ngoài... đã làm các doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, không thể mở rộng hay tự tích tụ để tái đầu tư... Đó mới chính là căn nguyên cơ bản xô đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng của khốn khó. CN nếu như có đấu tranh bởi họ không biết được sự thật cay đắng đằng sau đó là gì khi mà các doanh nghiệp đang phải hàng ngày gồng mình lên chống chọi, tìm mọi phương cách để mỗi ngày có thể đem lại những gì tốt đẹp hơn cho họ. TLĐ có viện này, viện kia hoành tráng lắm, nhưng thử hỏi đã có bao giờ TLĐ nghiên cứu để tự tìm ra câu trả lời này chưa, để biết thực chất những khó khăn của doanh nghiệp? Giá như từ vị trí xã hội của mình, các vị biết chia sẻ với doanh nghiệp, biết lắng nghe để tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản, những khó khăn cho doanh nghiệp, thì chúng tôi sẽ cảm kích biết bao. Nhưng rất tiếc, chưa bao giờ chúng tôi được nghe những điều tâm huyết gan ruột đó. Phải chăng các vị luôn tránh né vì trong đó đụng chạm tới lợi ích phí Công đoàn của chính các vị.
4.    Thực tế, hiện nay không doanh nghiệp nào lấy mức LTT để trả cho CN cả vì như thế làm sao thu hút và giữ được CN khi mà cuộc cạnh tranh lao động luôn diễn ra quyết liệt trên từng địa bàn, từng khu vưc, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Ngay chính các vị TLĐ cũng phải thừa nhận là thực tế lương và thu nhập các doanh nghiệp đang trả cho người lao động cao hơn từ 1,5-2 lần LTT rồi, thế thì cớ gì mà các vị vẫn quyết liệt đề nghị phải tăng LTT ở mức rất cao khiến doanh nghiệp thêm lần nữa phải kiệt quệ, điêu đứng? Mục đích đó là gì? Phải chăng chỉ vì lợi ích trực tiếp của cơ quan BH và TLĐ? Khi tăng LTT, ngay lập tức sẽ có 3 thiệt hại xảy ra: Thứ nhất, doanh nghiệp tăng thêm chi phí rất lớn từ các phí BH và phí Công đoàn, mất đi lượng tiền quan trọng để có thể tái đầu tư hay mở rộng sản xuất. Thứ hai, người lao động sẽ mất đi một phần thu nhập ngay hàng tháng để đóng các loại BH tăng lên, điều mà không một ai mong muốn. Nếu cần, tất cả  công nhân trong HHDM chúng tôi đều sẵn sàng kí tên đề nghị không tăng LTT, hoặc nếu có, thì chỉ khoảng 5-6% là tạm thời còn phù hợp. Thứ ba, Nhà nước sẽ mất đi một khoản thuế TNDN tương ứng, trong khi ngân sách Nhà nước vẫn đang còn rất eo hẹp.
  5.     Không ngừng tạo thêm nguồn việc làm cho số thanh niên nông thôn và cả ở thành thị, là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng một khi các doanh nghiệp buộc phải co lại, không dám thu hút thêm nhiều lao động vì các chi phí rất lớn kia, thì vô hình, chúng ta đã đi ngược lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một bộ phận không nhỏ thanh niên nghèo khó vùng nông thôn sẽ không có cơ hội được vào làm việc trong các nhà máy tại quê hương của họ nữa, khi mà lẽ ra, hoàn toàn có thể. Doanh nghiệp của người viết bài này hiện tại có gần một vạn lao động, nộp ngân sách nhà nước gần 60 tỷ mỗi năm. BH các loại mỗi năm nộp trên 116 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển qui mô lên 15.000 người trong một vài năm tới buộc phải ngừng lại vì LTT tăng đột biến năm 2015 và năm 2016 tới, chỉ tính riêng 2 năm này, doanh nghiệp phải chi tăng thêm trên 40 tỷ đồng BH nữa. Với các doanh nghiệp lời lãi mỗi năm chỉ vài chục tỷ, coi như mất hết. Năm 2018, theo qui định mức đóng BH mới, thì số doanh nghiệp bị thua lỗ và phá sản sẽ vô cùng nhiều, bất ổn xã hội là từ đó mà ra, đâu có khó khăn gì để không nhận biết được để rồi đổ lỗi hay phê phán doanh nghiệp.
6.       TLĐ tự nhận mình là người đại diện cho người lao động, theo tôi nghĩ, vấn đề này cần xem xét lại, bởi chính doanh nghiệp mới là người lo toan, chăm sóc và bảo vệ người lao động, chứ không phải ai khác. Bởi con em của họ là ở đó, đồng bào ruột thịt của họ là ở đó. Tình thương yêu, nhân ái đã gắn bó chặt chẽ người lao động với doanh nghiệp. Khi TLĐ không giúp được gì cho doanh nghiệp thì cũng không nên kích động họ đối lập với doanh nghiệp như một cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng về lợi ích. Về bản chất, các doanh nghiệp Việt nam hoàn toàn khác biệt với các doanh nghiệp nước ngoài. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh đã từng nói, các doanh nghiệp nước ngoài đâu có phải họ ăn đời ở kiếp với Việt nam. Còn các doanh nghiệp Việt, Tổ quốc, dân tộc, đồng bào của mình là những điều thiêng liêng, cao cả nhất mà họ đều luôn tâm nguyện phụng sự. Ý chí của họ, lòng can đảm và trí tuệ của họ không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới này, nếu như họ được sống trong môi trường luôn thông thoáng, rộng mở, họ đều có thể dời non, lấp biển. Đất nước nhất định sẽ cường thịnh và tự hào về họ!
           Bùi Đức Thịnh.

TAG: